02/01/2023 10:49

Nhiều nước cảnh giác với Covid

 

Nhiều nước cảnh giác với Covid

Du khách tại Sân bay Quốc tế Bắc Kinh hôm 27/12 (Ảnh: Reuters).

Ngay khi Trung Quốc thông báo sẽ mở cửa từ ngày 8/1/2023, một số quốc gia nhanh chóng áp đặt các hạn chế đi lại đối với người đến từ Trung Quốc, cảnh giác với nguy cơ bùng dịch Covid-19 và nhất là mối lo xuất hiện biến thể mới nguy hiểm.

Trong đó, Italy là quốc gia châu Âu đầu tiên áp trở lại biện pháp phòng ngừa y tế khi yêu cầu tất cả khách du lịch đến từ Trung Quốc phải xét nghiệm Covid-19 trước khi nhập cảnh. "Đây là biện pháp quan trọng để có thể giám sát, phát hiện và ngăn chặn các biến chủng virus mới xâm nhập vào nước này", Bộ trưởng Y tế Italy Orazio Schillaci cho biết.

Tại Bỉ, Thị trưởng thành phố du lịch Bruges đã kêu gọi chính quyền liên bang cần nâng cấp độ cảnh báo đối với công dân Bỉ đi du lịch Trung Quốc trở về, đồng thời áp dụng biện pháp kiểm tra y tế đối với các du khách đến từ Trung Quốc.

Trong khi đó, Mỹ đã có động thái mạnh mẽ khi yêu cầu những người đến từ Trung Quốc phải có kết quả xét nghiệm âm tính hoặc bằng chứng đã khỏi Covid-19 khi nhập cảnh vào nước này từ ngày 5/1/2023.

Sau Mỹ, chính phủ Hàn Quốc quyết định áp dụng các quy định yêu cầu xét nghiệm Covid-19 bắt buộc đối với du khách đến từ Trung Quốc đồng thời hạn chế cấp thị thực và các chuyến bay. Chính phủ nước này cũng quyết định sử dụng Sân bay Quốc tế Incheon làm cửa ngõ duy nhất cho bất kỳ chuyến bay nào đến từ nước láng giềng này. Các quy định sẽ có hiệu lực từ ngày 5/1/2023.

Trước Mỹ và Hàn Quốc, Nhật Bản hôm 27/12 đã thông báo, bắt đầu từ ngày 30/12, tất cả du khách đến từ Trung Quốc hoặc đã đến đó trong vòng 7 ngày sẽ phải xét nghiệm Covid-19 khi đến nơi. Tokyo cũng sẽ hạn chế số lượng chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc.

Đảo Đài Loan cũng công bố xét nghiệm Covid-19 bắt buộc đối với du khách đến từ Trung Quốc đại lục vào hôm 28/12.

Trung Quốc đã phản ứng gay gắt trước những quy định mới trên với tuyên bố tình hình Covid-19 vẫn "trong tầm kiểm soát", và cáo buộc truyền thông phương Tây "bóp méo" những thay đổi chính sách gần đây của nước này.

"Ý định thực sự của họ là phá hoại nỗ lực kiểm soát Covid-19 trong 3 năm qua của Trung Quốc và tấn công hệ thống của nước này", báo Global Times của Trung Quốc nêu rõ trong một bài báo hôm 29/12, trích dẫn lời các chuyên gia gọi các quy định kiểm dịch như vậy là "vô căn cứ" và "phân biệt đối xử".

Không nên lo ngại về biến thể mới

Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng, các nước không nên quá lo ngại như vậy bởi đây không phải là thời điểm đầu năm 2020.

Vì vậy, trong khi một số quốc gia chuyển sang áp đặt các hạn chế nghiêm ngặt, nhiều thành viên còn lại của EU đã nói rõ rằng họ sẵn sàng chào đón du khách Trung Quốc, vốn là động lực chính của du lịch quốc tế trước khi đại dịch bùng phát.

Du khách từ Trung Quốc đến Mỹ phải có xét nghiệm Covid-19 âm tính để được nhập cảnh (Ảnh: Reuters).

Đức ra tuyên bố đang theo dõi sát diễn biến dịch bệnh Covid-19 tại Trung Quốc nhưng nhấn mạnh tình hình hiện nay chưa đến mức phải áp dụng trở lại các biện pháp hạn chế do chưa phát hiện các biến thể virus có độc tính cao hơn.

"Không có bằng chứng cho thấy một biến thể nguy hiểm hơn đã xuất hiện trong đợt bùng phát dịch Covid-19 mới đây ở Trung Quốc. Nếu điều này xảy ra, chúng tôi sẽ áp dụng các biện pháp hạn chế nhập cảnh và di chuyển phù hợp với tình hình dịch bệnh", người phát ngôn Bộ Y tế Đức Sebastian Guelde cho biết.

Trong phiên họp chính phủ ngày 28/12, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã yêu cầu chuẩn bị các biện pháp phòng ngừa phù hợp nhưng Paris vẫn để ngỏ khả năng kích hoạt trở lại quy định chống dịch với người đến từ Trung Quốc.

Tại Anh, chính phủ cho biết sẽ tiếp tục theo dõi tình hình và chưa có quyết định chính thức nào. "Chính phủ đang đánh giá tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc", Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace nói hôm 30/12.

Ủy ban châu Âu (EC) cũng ra tuyên bố cho biết, Omicron, đang là biến thể chủ đạo của làn sóng dịch Covid-19 ở Trung Quốc, đã xuất hiện tại châu Âu và không có dấu hiệu lây lan mạnh mẽ trong thời gian gần đây. "Chúng ta sẽ tiếp tục theo dõi sát sao và có biện pháp can thiệp khẩn cấp nếu tình hình dịch bệnh có chiều hướng xấu đi", tuyên bố của EC cho hay.

Hôm 29/12, tuyên bố của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Châu Âu (ECDC) cho rằng làn sóng dịch ở Trung Quốc dự kiến sẽ không ảnh hưởng đến tình hình ở EU và gọi những hạn chế đối với khách du lịch từ Trung Quốc là "không chính đáng".

Nói về nguy cơ xuất hiện biến thể mới sau khi Trung Quốc mở cửa, chuyên gia Yanzhong Huang, nhà nghiên cứu cấp cao về sức khỏe toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ, thừa nhận "có nguy cơ xuất hiện một biến thể mới trong dân số chưa được tiêm chủng" nhưng không quá lo ngại.

"Mặc dù 90% dân số Trung Quốc được tiêm 2 liều vắc xin, nhưng vẫn có một tỷ lệ lớn người già không tiêm phòng... hơn 6 tháng trước, vì vậy mức độ kháng thể của họ đã rất thấp", ông nói. "Vì vậy, chúng tôi không thể loại trừ khả năng các biến thể mới thực sự có thể xuất hiện ở Trung Quốc và lan sang các khu vực khác trên thế giới".

Các quan chức Mỹ cũng bày tỏ lo ngại về việc Trung Quốc không có thông tin giải trình tự bộ gen, vốn có thể giúp phát hiện các chủng virus mới.

Tuy nhiên, GISEAD, một cơ sở dữ liệu về virus toàn cầu, cho biết chính quyền Trung Quốc đã gửi thêm thông tin về bộ gen từ các mẫu gần đây và những mẫu này dường như khớp với các biến thể đang lưu hành trên toàn cầu.

"Nếu các quốc gia đang ở thời điểm mà họ nghĩ rằng việc xuất hiện những biến thể mới không còn quan trọng nữa thì tại sao lại quan tâm đến một vài trường hợp mới đến từ Trung Quốc?", Phó giáo sư Karen Grepin tại Trường Y tế Công cộng thuộc Đại học Hong Kong nói.

Bất chấp nguy cơ tiềm ẩn, các chuyên gia y tế đã chỉ trích các quy định xét nghiệm Covid-19 của một số nước là không hiệu quả.

"Tôi không thấy bất kỳ lý do thuyết phục nào để biện minh cho động thái này", chuyên gia Huang nói. "Ngay cả khi thực hiện các quy định chống dịch như vậy, chúng ta cũng không thể ngăn chặn sự lây lan của virus. Và giả sử có những biến thể mới xuất hiện ở Trung Quốc, chúng ta cũng khó có thể ngăn được virus lây lan sang các khu vực khác".

Chuyên gia Grepin cũng cùng quan điểm này, nói rằng: "Trên thực tế, chúng tôi không có bằng chứng khoa học để hỗ trợ tính hiệu quả của các biện pháp này".

Theo bà, nếu một biến thể mới xuất hiện, nó có thể sẽ xâm nhập vào Mỹ thông qua các quốc gia khác, đồng thời chỉ ra rằng các hạn chế chống dịch như vậy "không có nhiều tác dụng" khi Omicron xuất hiện vào mùa thu năm ngoái.

Bà cho rằng, vấn đề ở đây là "chúng tôi thấy một số quốc gia thực hiện điều đó và sau đó các quốc gia khác làm theo".

Nhiều nước đang chào đón du khách Trung Quốc trở lại

Hiện nhiều quốc gia đã mở rộng cửa chào đón du khách đến từ Trung Quốc.

Các sở du lịch và đại sứ quán của Pháp, Thái Lan, Canada, Úc, New Zealand, Đan Mạch, Na Uy, Hà Lan, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Áo và Thụy Sĩ đều đăng thông báo trên Weibo (phiên bản Twitter của Trung Quốc), mời du khách Trung Quốc.

"Những người bạn Trung Quốc, nước Pháp dang rộng vòng tay chào đón các bạn!", Đại sứ quán Pháp đã viết trên Weibo. Cơ quan quản lý du lịch quốc gia Thái Lan đã viết: "Thái Lan đã chờ đợi các bạn trong 3 năm!"

Trước đại dịch, Trung Quốc là thị trường lớn nhất thế giới về du lịch nước ngoài, tăng vọt từ 4,5 triệu khách năm 2000 lên 150 triệu vào năm 2018. Họ cũng là quốc gia chi tiêu nhiều nhất thế giới, chiếm 277 tỷ USD hay 16% trong tổng số 1,7 nghìn tỷ USD chi tiêu du lịch trên toàn thế giới, theo Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên hợp quốc.

Theo Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới, riêng Trung Quốc đã đóng góp 51% GDP du lịch và lữ hành ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2018. Và du khách Trung Quốc thường chiếm 30% tổng số lượt khách đến Thái Lan.

Theo Reuters, CNN

Tags:

Đọc báo

báo điện tử dantri

Thế giới

Tin cùng chuyên mục